30 năm tuổi nghề, 20 năm mổ mắt, TTƯT.BS.CK2 Nguyễn Thế Hồ không đếm xuể mình đã thực hiện bao nhiêu ca phẫu thuật phaco. Cuối tuần, vị Trưởng khoa Mắt – Bệnh viện Trưng Vương cũng hiếm khi có mặt ở Sài Gòn vì ông rong ruổi theo những chuyến mổ mắt thiện nguyện từ Nam ra Bắc.
Phẫu thuật phaco như tay lái lụa vượt đường đèo hiểm trở
Những ngày cuối tuần, hầu như rất khó gặp được TTƯT.BS.CK2 Nguyễn Thế Hồ – Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Trưng Vương ở Sài Gòn, vì ông theo đoàn đi mổ mắt từ thiện ở các tỉnh. Đây là chương trình kết hợp của các hội từ thiện với Bệnh viện Trưng Vương. Khoa Mắt cuối tuần chỉ 1/3 số bác sĩ ở lại trực, 2/3 đem theo máy móc lên đường. Hành trình này trải dài từ Nam chí Bắc, ra tới hải đảo.
Mỗi chuyến đi thường kéo dài 2-3 ngày, khám và mổ mắt cho hàng trăm bệnh nhân. Trung bình một ngày mỗi bác sĩ mổ 25 ca, đa số là phẫu thuật đục thủy tinh thể (phẫu thuật phaco). Đây là căn bệnh chiếm 70-80% các trường hợp phẫu thuật mắt. BS Hồ cho biết, bệnh nhân nào không chỉ định mổ phaco được thì mổ ngoài bao (một kỹ thuật mổ cổ điển), tuy nhiên số lượng này rất ít.
Mỗi ca phẫu thuật phaco chỉ kéo dài 10 phút, ca khó thì từ 15-20 phút, thế nhưng để thành thạo được kỹ thuật mổ này là quá trình học hỏi, rèn luyện gian nan của bác sĩ nhãn khoa trong nhiều năm.
BS.CK2 Nguyễn Thế Hồ kể lại quá trình chinh phục mổ phaco: “Khó, phức tạp, phải luyện tập rất nhiều, ngoài ra còn đòi hỏi độ tuổi. Nếu bác sĩ ngoài 40 thì không nên bắt đầu học mổ phaco nữa, cũng như cầu thủ bóng đá chạm ngưỡng tuổi 30 là bước đến ranh giới cuối hạ đầu thu của sự nghiệp rồi”. Đó là bởi mổ phaco đòi hỏi phẫu thuật viên phải khéo léo, không phải bác sĩ nhãn khoa nào cũng mổ được, mà sau tuổi 40 thì không còn mắt tinh tay khéo như xưa.
Phẫu thuật phaco du nhập Việt Nam vào khoảng những năm 2000, Bệnh viện Mắt TPHCM là nơi đầu tiên thực hiện. Những người tiên phong (thế hệ F1) của ngành nhãn khoa TPHCM gồm các thầy Trần Duy Kiên, Lê Minh Thông, Thái Thành Nam, Phí Duy Tiến… đều tự học từ tài liệu nước ngoài, kết hợp với kinh nghiệm của mình và đồng nghiệp, rồi nghề dạy nghề.
BS Nguyễn Thế Hồ (thế hệ F2) học mổ phaco khi theo Hội Nhãn khoa TPHCM đi khắp các tỉnh miền Nam, ban đầu là phụ mổ với các thầy và đàn anh, thông qua đó học hỏi, tập tành, rồi dần hoàn chỉnh kỹ thuật trước khi lấy chứng chỉ sau này để hoàn tất thủ tục giấy tờ. Năm 2006-2007 ông triển khai mổ phaco ở Bệnh viện Trưng Vương.
“Các em sau này học bài bản hơn vì trường đại học y khoa đã dạy hay Bệnh viện Mắt TPHCM cũng mở lớp dạy mổ phaco. Chứ thế hệ chúng tôi thì các thầy đâu có lớp nào dạy, toàn tự mày mò” – BS Hồ cho biết.
Mổ phaco được xem là “đỉnh của đỉnh” trong các phẫu thuật mắt. Nếu mổ phaco được thì bác sĩ nhãn khoa không còn e dè bất cứ loại hình phẫu thuật mắt nào nữa vì đã vững tay đi qua nơi nguy hiểm nhất của mắt rồi. – BS.CK2 Nguyễn Thế Hồ
Xen kẽ với các chuyến mổ mắt từ thiện, BS.CK2 Nguyễn Thế Hồ còn đi đến các tỉnh để đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mổ phaco, thành lập ekip, trang thiết bị, thuốc men, đến khi họ thành thạo thì rút dần. Mỗi bệnh viện tỉnh cứ 1-2 tháng ghé một lần, sau khoảng 2 năm thì chuyển giao xong kỹ thuật này.
Sở dĩ mất nhiều thời gian như vậy là vì mổ phaco được xem là “đỉnh của đỉnh” trong các phẫu thuật mắt. Nếu mổ phaco được thì bác sĩ nhãn khoa không còn e dè bất cứ loại hình phẫu thuật mắt nào nữa vì đã vững tay đi qua nơi nguy hiểm nhất của mắt rồi. Cũng như tay lái lụa đã vượt qua đường đèo hiểm trở thì không còn “ngán” bất cứ trở ngại nào của đường bằng.
“20 năm rồi mới nhìn thấy Sài Gòn, sao mà nhà cửa nhiều quá!”
Phẫu thuật phaco đường mổ chỉ 3.2mm, bệnh nhân không mất giọt máu nào. Tuy nhiên, chăm sóc sau mổ có nhiều điều cần lưu ý, vì vậy BS.CK2 Nguyễn Thế Hồ dặn dò bệnh nhân rất kỹ.
Mặc dù đã có tờ giấy hướng dẫn in sẵn để bệnh nhân đem về nhưng ông vẫn cẩn thận dặn dò từ việc dùng thuốc, ăn uống thế nào, tắm rửa ra sao… Đặc biệt nhấn mạnh phải đeo kính bảo hộ xuyên suốt kể cả khi ngủ để bảo vệ con mắt mới mổ và tránh vận động mạnh trong 7 ngày đầu vì mắt mới mổ còn yếu mềm, vận động mạch sẽ làm tăng áp lực hoặc sang chấn mạnh quá có thể làm xuất huyết hoặc rơi kính nội nhãn. Bệnh nhân cần tái khám sau 1 tuần để bác sĩ kiểm tra lại, còn nếu có sự cố gì thì phải tái khám ngay.
Hầu hết mọi người đều tuân thủ tốt nhưng thỉnh thoảng cũng có trường hợp bất khả kháng. Đó là một bệnh nhân nam, mới phẫu thuật phaco về được 1-2 ngày thì hàng xóm cháy nhà. Ông hoảng hồn tháo chạy, sau đó lại cùng mọi người khiêng ti vi, tủ lạnh, cứu đồ đạc khỏi bàn tay bà hỏa. Hậu quả là bên mắt mổ bị mờ. Khi BS Hồ khám lại cho bệnh nhân, thấy bên trong mắt bị xuất huyết.
Một trường hợp khác, nữ bệnh nhân ở Bình Chánh quay lại chỉ sau 1 ngày khiến bác sĩ ngạc nhiên vì trước đó đã dặn nếu mắt không có vấn đề gì thì 1 tuần mới tái khám. Hóa ra là bà quá vui mừng nên quay lại cảm ơn các bác sĩ.
Suốt 2 thập kỷ, dù nhà ở ngay tại TPHCM nhưng đôi mắt bị đục thủy tinh thể, mờ đến nỗi giơ tay trước mặt bà cũng không nhìn ra bao nhiêu ngón. Hôm mổ mắt xong, về nhà tháo băng, nữ bệnh nhân mới nhìn rõ cảnh vật xung quanh. Bà phấn khích: “20 năm rồi tui mới nhìn thấy Sài Gòn, sao mà bây giờ nhà cửa nhiều quá!”.
Hầu hết người bị đục thủy tinh thể đến mức mù lòa đều là bệnh nhân nghèo, không có điều kiện khám và điều trị sớm. Nếu không có các đoàn, hội từ thiện hỗ trợ chi phí mổ mắt, họ đành chìm trong bóng tối đến cuối đời. Vậy nên khi con mắt sáng lại sau mổ, ai cũng mừng vui khôn tả. Bệnh nhân mừng, bác sĩ cũng vui lây.
Còn một trường hợp khác khó quên, đó là bệnh nhân tưởng chừng phải múc mắt nhưng BS Hồ “kéo” qua được, không phải bỏ mắt.
Khi ấy BS Hồ mới 30 tuổi, gặp bệnh nhân nam bị loét giác mạc nặng, vị bác sĩ trẻ đã hướng dẫn đến cơ sở chuyên điều trị ca nặng, nhưng bệnh nhân quay lại vì không muốn phẫu thuật cắt bỏ mắt theo chỉ định của tuyến trên. Vậy là BS Hồ điều trị tiếp, không ngờ lại chữa khỏi. Chẳng những thế, giác mạc không bị sẹo, mắt sáng tỏ bình thường. BS Hồ ngạc nhiên: “Thông thường loét giác mạc nặng như vậy sẽ để lại sẹo giác mạc. Dù có chữa khỏi, bệnh nhân cũng khó nhìn rõ được. Chắc là có thần may mắn phù hộ”.
Tuy nhiên, để lại ấn tượng sâu đậm nhất với vị trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Trưng là những ca phẫu thuật bị biến chứng, tai biến… “Những trường hợp đó làm mình sốc, mất ăn mất ngủ cả tháng trời, thậm chí muốn buông không làm nghề. Đau xót, không biết lấy gì đền bù. Tiền bạc vật chất thì đền được chứ một phần cơ thể người ta làm sao đền nổi!” – BS Hồ trải lòng.
Dù tai nạn nghề nghiệp là điều không tránh khỏi, nguyên nhân có thể là chủ quan (chỉ định sai lệch, thao tác sơ suất) hay khách quan (do cấu trúc mắt của bệnh nhân), đều là việc ngoài ý muốn nhưng nó ám ảnh mãi không thôi.
Sau 20 năm phẫu thuật phaco, BS.CK2 Nguyễn Thế Hồ không thể đếm xuể đã mổ bao nhiêu ca: “Ban đầu số ca mổ còn ít thì ghi chép, ăn mừng, đi khao kỷ niệm 50 ca, 100 ca… Về sau thời gian đâu mà ghi lại, đầu óc đâu mà nhớ nổi nữa!” – vị bác sĩ nhãn khoa mỉm cười.
30 năm tuổi nghề, chứng kiến sự đổi thay của các bệnh mắt
Trước năm 1975, trẻ con đi học nhàn lắm, chỉ lên lớp buổi sáng, mỗi tuần nghỉ 2 ngày thứ 5 và chủ nhật. Những buổi không học, cậu bé Nguyễn Thế Hồ cùng chúng bạn rủ nhau đá dế, bắt cá lia thia, thả diều ở khu Văn Thánh (Bình Thạnh).
Tết năm lớp 6, cậu bé bị bạn quẹt cây pháo dài trúng mắt, tro bụi và thuốc pháo dính vào mắt, đau rát, mở không ra. “Lúc đó, má đưa tôi đến gặp giáo sư Các, là bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng bậc nhất ở Sài Gòn, được ông chữa khỏi, mắt nhìn lại bình thường”.
Ước mơ trở thành bác sĩ nhãn khoa của cậu bé Nguyễn Thế Hồ được ấp ủ từ khi đó, và được khẳng định trong một bài văn năm lớp 8, khi thầy giáo ra đề bài về mong ước nghề nghiệp tương lai của các học sinh.
Bằng nỗ lực của bản thân và nhờ sự ủng hộ của gia đình, điều ước ấy trở thành hiện thực. Năm 1993, BS Nguyễn Thế Hồ tốt nghiệp trường y rồi về Bệnh viện Trưng Vương làm việc, tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nhãn khoa, chinh phục kỹ thuật mổ khó nhất là phẫu thuật phaco.
Ngót nghét 30 năm trong nghề, theo đoàn từ thiện qua mọi miền đất nước, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thế Hồ cũng chứng kiến những biến chuyển của bệnh mắt qua chiều dài thời gian, hay sự khác biệt giữa các vùng miền.
Chẳng hạn, người ở vùng nắng gió cát bụi nhiều thì hay bị bệnh bán phần ngoài (mắt hột, lông quặm, lông xiêu…), nơi thành phố đông đúc thì hay có bệnh nhân tổn thương mắt do tai nạn lao động… Khi kinh tế đi lên, đời sống được cải thiện thì những bệnh như mù mắt do thiếu vitamin A, bệnh mắt hột do dùng nước sinh hoạt thiếu vệ sinh… dần lùi về dĩ vãng.
Cũng có những vấn đề mới xuất hiện sau này như tổn thương mắt do HIV/AIDS nhưng đó không phải là bệnh mới. BS Hồ nhận định: “Tất cả nguyên nhân gây mù lòa ở mắt cũng tập trung bao nhiêu bệnh đó thôi, ít thay đổi. Kể cả đại dịch COVID-19 vừa rồi cũng không làm thay đổi các bệnh ở mắt, mặc dù thời gian đầu có một số báo cáo SARS-CoV-2 lây lan qua mắt và gây tổn thương mắt”.
Có chăng là ngày nay số lượng một số bệnh mắt nhiều hơn là do dân số đông hơn, phát hiện sớm hơn nhờ trang thiết bị tốt và hiện đại, người dân quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn, cùng với mạng lưới y tế cũng phổ biến rộng khắp so với ngày xưa, chứ thật ra tỷ lệ của bệnh không thay đổi”.
BS Hồ lấy dẫn chứng là bệnh cận thị, mặc dù có sự thay đổi thói quen, người dân xem màn hình điện tử nhiều hơn nhưng các con số thống kê trên thế giới cho thấy tỷ lệ cận thị ít biến động: “Chứ thời xưa trẻ con cũng có bị cận thị nhưng cha mẹ lo bươn chải kiếm sống, đâu có để ý mà dắt đi khám mắt”.
Một điều ấn tượng với bệnh nhân đến khám tại phòng mạch BS Hồ là ông đo mắt rất kỹ, có khi dành cả 15 phút chỉ để chỉnh độ kính cho một người vừa cận vừa loạn thị. Người đến khám mắt đa phần là các cô bác lớn tuổi, có nhiều bệnh nền như huyết áp, tiểu đường… đều được BS Hồ dặn dò kỹ lưỡng về việc dùng thuốc và sinh hoạt ở nhà, cảm thấy rất yên tâm.
Không phải cứ mặc áo blouse là mình trở nên cao quý, mà những việc mình làm sẽ khiến cho nghề y trở nên cao quý.
– BS.CK2 Nguyễn Thế Hồ
BS Hồ khẳng định: “Không phải cứ mặc áo blouse là mình trở nên cao quý, mà những việc mình làm sẽ khiến cho nghề y trở nên cao quý. Nghề nghiệp không nâng cao giá trị con người mà chính con người tạo nên giá trị cho nghề nghiệp”.
Cũng vì thế, người làm ngành y phải học hỏi không ngừng, không được để cho năng lực của mình yếu kém: “Nếu năng lực yếu kém, bác sĩ có thể gây ra những sai lầm không có cơ hội sửa chữa. Thêm nữa, với nghề này, có lẽ đồng tiền phải đứng sau. Tuy nhiên tôi tin rằng, cứ nỗ lực vì công việc, rồi những gì mình cần cũng sẽ đến” – đó là đôi điều nhắn nhủ của vị bác sĩ nhãn khoa 30 năm trong nghề gửi đến thế hệ trẻ.
Hồng Nhung
Truyền thông viết về nhân vật
Cảm phục những “thầy thuốc online”
https://dantri.com.vn/xa-hoi/cam-phuc-nhung-thay-thuoc-online-1330496205.htm
ĐỀ CỬ
TTƯT.BS.CK2 Nguyễn Thế Hồ
HẠNG MỤC
BLOUSE TRẮNG VÌ CỘNG ĐỒNG – CÁ NHÂN
LƯỢT BÌNH CHỌN
1280 VOTE
Xem thêm:
- TS.BS Nguyễn Văn Đẩu – “Ông Bụt” của những nụ cười
- Bác sỹ Nông Văn Huyến hết lòng vì sức khỏe cộng đồng
- Nữ bác sĩ được Forbes Việt Nam vinh danh: “Đóa blouse trắng” sẵn sàng “ra trận”
- TS Lê Khánh Điền, chuyên gia ngôn ngữ trị liệu, phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ
- Bà Võ Thị Xuân Trang
- Hành trình trở thành bác sĩ của cậu bé bán hủ tiếu gõ