PGS.TS.BS LÊ THỊ TUYẾT LAN – CẢ CUỘC ĐỜI CỐNG HIẾN CHO NGÀNH HÔ HẤP, MIỄN DỊCH

Khi nhắc tới ngành Hô hấp, miễn dịch tại Việt Nam không thể không nhắc tới PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan –  một trong những chuyên gia Hô hấp đầu ngành, một người thầy khả kính của nhiều thế hệ bác sĩ. Không chỉ tài giỏi trong chuyên môn, ân cần với bệnh nhân, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan còn là người tiên phong xây dựng mạng lưới quản lý hen và COPD trong cộng đồng” (Asthma COPD Outpatient Care Unit – ACOCU) khắp đất nước.

Từ con số 0 lên đến 243 đơn vị ACOCU: 23 năm kiên trì và bền bỉ.

Hơn 20 năm trước, các bệnh viện cơ sở y tế của Việt Nam vẫn còn lạc hậu, các bệnh nhân hen và COPD khi chuyển tới bệnh viện thường là bệnh đã nặng, mỗi đợt điều trị cấp là sống chết cận kề. Khi đó, BS Lê Thị Tuyết Lan đã có cơ hội được đi du học tại nước ngoài, được chứng kiến nền y tế nói chung và công tác quản lý chăm sóc bệnh hen, COPD rất hiện đại của nước bạn. Ngay từ lúc đó bác sĩ đã nung nấu xây dựng “Trung tâm quản lý hen và COPD trong cộng đồng” (Asthma COPD Outpatient Care Unit – ACOCU).

Năm 2000, trung tâm ACOCU đầu tiên đã được thành lập tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Nhưng chỉ một trung tâm chưa đủ. Chứng kiến quá nhiều người bệnh lặn lội vất vả từ những nơi xa xôi như miền Trung, Cà Mau, Tây Nguyên về Thành phố Hồ Chí Minh chữa trị. Có những người phải xếp hàng từ nửa đêm, có những người đi trên xe không biết sống chết thế nào đã khiến BS Lê Thị Tuyết Lan quyết tâm bằng mọi giá xây dựng mạng lưới quản lý hen tại địa phương. Năm 2003, đã có 3 đơn vị ACOCU. Năm 2011, bằng sự cố gắng bền bỉ kiên trì của mình, đã có 101 và đến năm 2023 đã có 243 đơn vị ACOCU. Chưa dừng ở đó, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan và những người đứng đầu ACOCU luôn canh cánh trong lòng và hạ quyết tâm xây dựng càng nhiều đơn vị ACOCU xuống tận đến phường xã càng tốt, càng gần nhà bệnh nhân càng khỏe.

Ngày 23/02/2023, mô hình ACOCU đã được bình chọn là một trong 10 THÀNH TỰU Y KHOA VIỆT NAM 2022 lần 4. Đây là giải thưởng dành cho thành tựu y khoa thuộc lĩnh y tế chuyên sâu, hướng đến xây dựng TP.HCM thành trung tâm sức khỏe của khu vực ASEAN.

45 năm tận tuỵ với bệnh Hô hấp

Dị ứng là một bệnh lý phổ biến ở nước ta bởi khí hậu nhiệt đới gió mùa. Bên cạnh đó các bệnh lý tự miễn cũng đang có chiều hướng gia tăng. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi mới ra trường, BS Lê Thị Tuyết Lan đã cố gắng thăm khám cho nhiều bệnh nhân là lao động của những ngành nghề tiếp xúc khói bụi nhiều, phương tiện bảo hộ thiếu thốn để thăm dò chức năng hô hấp để phát hiện bệnh sớm, bảo vệ đường thở cho người lao động. Lúc đó cơ sở vật chất và điều kiện khám chữa bệnh của nước ta thiếu thốn trăm bề. Ngành Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng chưa có, trong khi chuyên ngành này đã rất phát triển tại các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc…Việc điều trị cho các bệnh nhân bị bệnh liên quan đến hô hấp và tự miễn gặp nhiều khó khăn. Phần nhiều là bệnh nhân chưa có ý thức quan tâm cũng như là sự thiếu hiểu biết về các bệnh lý này.

Đau đáu suy nghĩ trăn trở và ấp ủ ước vọng được đem những công nghệ mới về Việt Nam, để những người bệnh nhân đỡ khổ, để ngành Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng được công nhận, BS Lê Thị Tuyết Lan đã lên đường tu nghiệp ở Nga và Mỹ. Bác sĩ còn thường xuyên tham dự các hội thảo quốc tế, gặp gỡ những chuyên gia hàng đầu thế giới để học hỏi kinh nghiệm và đem những tài liệu uy tín được cập nhật mới nhất đó về dịch lại và phổ biến trong nước.

Từ con số 0, sau hơn bốn mươi năm ròng rã cố gắng, đến nay PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan và các đồng nghiệp đã có những thành quả rất xứng đáng.

Ngày 23/7/2014, Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP.HCM chính thức được thành lập. Hội là thành viên liên kết với các Hội chuyên ngành trên thế giới như Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng Hoa Kỳ (AAAAI), Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng Châu Âu (EAACI), Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng Châu Á Thái Bình Dương (APCAACI), Tổ chức Dị ứng thế giới (WAO).

Năm 2018, Hội đã có thêm một thành quả tích cực rất đáng ghi nhân khi đạt được thỏa thuận ký kết giữa Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP.HCM, Hội Hô hấp Việt Nam, Hội Phổi Việt Nam và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế với công ty dược phẩm AstraZenaca trong việc triển khai chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe (Healthy Lung)” giai đoạn 2018 – 2020 với mục tiêu phát triển 150 phòng quản lý ngoại trú Hen và COPD với cơ sở hạ tầng đạt chuẩn trên cả nước, góp phần việc chẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng quản lý bệnh hen và COPD.

Thương bệnh nhân là điều đầu tiên bác sĩ cần có!

“Tôi luôn nói với học trò, điều đầu tiên cần có ở một người bác sĩ là phải thương bệnh nhân. Thương là đối xử tử tế, ân cần với họ, người bị bệnh đã khổ lắm rồi.” Câu nói này của luôn là tôn chỉ và nguồn động lực làm việc của các y bác sĩ, đồng nghiệp, học trò của PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan. Mỗi một bệnh nhân, dù già hay trẻ, các bác sĩ đều đối xử ân cần và tận tình chữa chạy.

Để chăm sóc bệnh nhân được tốt hơn, hàng năm PGS Lê Thị Tuyết Lan đều tổ chức các lớp tập huấn cơ bản và nâng cao về quản lý hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong cộng đồng. Khi dịch Covid 19 gây ảnh hưởng sâu rộng tới Việt Nam, không thể đào tạo hoặc khám bệnh trực tiếp thì PGS Lê Thị Tuyết Lan cùng các chuyên gia Y tế đầu ngành đã tổ chức Câu lạc bộ bệnh nhân trực tuyến: “sống vui khoẻ cùng hen và COPD trong mùa dịch” để có thể kịp thời giải đáp các câu hỏi của bệnh nhân, nâng cao hiểu biết về căn bệnh này cho cả bệnh nhân và gia đình.

Ngày 13/11/2022, trạm Y tế phường 15 quận 11 đã tổ chức lễ triển khai tầm soát hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Đây là chương trình triển khai hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đầu tiên trên thành phố Hồ Chí Minh ở tuyến cơ sở địa phương, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc quản lý các bệnh không lây ở tuyến cơ sở. Từ đó đến nay, các buổi tầm soát được thực hiện nhiều hơn, trải rộng khắp các quận ở thành phố.

Với tấm lòng nhân hậu và hết lòng vì người bệnh, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan âm thầm, lúc “bên cạnh”, lúc “sau lưng” để động viên “anh em” bác sĩ, tiếp lửa để ngọn đuốc ACOCU chắc chắn sẽ vững mạnh và “thắp sáng” đến những cộng đồng xa xôi nhất của đất nước.

Người thầy tận tâm

Khi được là học trò của một giáo viên tuyệt vời, mỗi học trò sẽ luôn nhớ thầy cô như một người truyền cảm hứng, tấm gương để học hỏi và noi theo. Hơn bốn mươi năm làm công tác giảng dạy, PGS Lê Thị Tuyết Lan đã dốc hết trí tuệ, sức lực cho học trò của mình.

Có lẽ các bác sĩ ở khoa Nhi ở bệnh viện Tân Phú không sao quên được những hình ảnh thương tâm khi người mẹ với ánh mắt cầu cứu tuyệt vọng, mệt mỏi ôm bé ĐK chưa đến 3 tuổi, gầy gò, đang co rút người để gắng sức thở. Khuôn mặt bé tái mét. Bé lấy tay ra hiệu chỉ vào ngực chỉ nói đứt quãng được 3 từ: “Con…khó thở…”. Ngay lập tức bé được đưa nhập cấp cứu, thở oxy, phun khí dung và chích thuốc. Bé ĐK đã từng nhập viện lần thứ 4 vì hen nặng như thế. Mẹ bé thở dài: nhà ở khu làng dệt Bảy hiền, hai vợ chồng chị cũng biết môi trường ô nhiễm nhưng cái nghề gắn liền cái nghiệp rồi…

Đây chỉ là 1 trong cả ngàn hồ sơ đang được quản lý hen tại Khoa nhi, Bệnh viện Tân phú. Từ những hình ảnh thương tâm như của bé ĐK, Khoa Nhi quyết tâm thành lập phòng khám và quản lý hen cuối năm 2017 dưới sự cố vấn chuyên môn của PGS Lê Thị Tuyết Lan. “Một đơn vị quản lý hen hoạt động tốt là giúp cho bệnh nhi không vào cơn hen nặng, không phải nhập viện và giảm gánh nặng cho gia đình rất nhiều”, bác sĩ đã chia sẻ giản dị như vậy. Và thành quả bước đầu đạt được là trên 90% bệnh nhân được kiểm soát hiệu quả, không phải nhập viện vì cơn hen cấp. Có được kết quả trên chính là từ sự tận tâm, tận lực và tất cả tâm huyết của PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan dành cho bệnh nhân cũng như những cống hiến thầm lặng cho sự nghiệp phát triển của Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP.HCM.

Nguồn: https://suckhoeonline.net.vn/vi/pgs.ts.bs-le-thi-tuyet-lan-%E2%80%93-ca-cuoc-doi-cong-hien-cho-nganh-ho-hap-mien-dich

Tags:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *